Theo đó, trong quý 3-2017, cả nước có hơn 1 triệu lao động trong độ tuổi thất nghiệp, trong đó nhóm trình độ đại học trở lên là 237.000 người, tăng 53.900 người so với quý 2, tỉ lệ thất nghiệp của nhóm này là 4,51%.
Số thanh niên thất nghiệp là 610.000, tăng gần 36% so với quý 2, tỉ lệ thất nghiệp ở mức 7,8%...
Lý giải về tỉ lệ thất nghiệp tăng đột biến của nhóm trình độ đại học trở lên, viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội Đào Quang Vinh cho rằng vào khoảng cuối quý 2, nhiều sinh viên tốt nghiệp, sau khi tốt nghiệp xong phần lớn phải mất từ 3-6 tháng để tìm việc. Ngoài ra cũng do nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp thường xuyên thay đổi.
|
Về nguyên nhân khiến nhiều sinh viên sau tốt nghiệp phải mất 3-6 tháng để tìm việc, ông Vinh cho hay do đào tạo của các trường và các doanh nghiệp chưa được tốt, nhiều nghiên cứu, khảo sát thực tế chỉ ra sinh viên tốt nghiệp đại học ở nước ta hiện nay khi học xong chưa làm việc được ngay, phải mất thời gian đào tạo thêm các kỹ năng khác.
Trước đó, theo một cuộc khảo sát của Tổng cục dạy Nghề Bộ LĐTB&XH thì một sinh viên Việt Nam khi ra trường phải mất đến 6 năm mới có thể có được công việc ổn định.
Những năm gần đây, các trường ĐH đã dần tính đến hướng chuyển đổi các loại ngành nghề đào tạo, đào tạo những ngành mà xã hội đang có nhu cầu, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, thay vì chỉ đào tạo các ngành nghề truyền thống vốn đã dư thừa như những năm trước kia. Tuy nhiên công tác dự báo ngành nghề và nguồn nhân lực của chúng ta vẫn có những hạn chế.
Thêm nữa, các doanh nghiệp đòi hỏi nhiều kỹ năng từ người lao động nhưng rất thiếu các hoạt động hợp tác với các trường trong đào tạo. Chính vì thế dẫn đến đào tạo xa thực tiễn, sinh viên ra trường mất thời gian đào tạo lại, vừa lãng phí trong đào tạo, vừa tăng áp lực thất nghiệp lên chính các sinh viên.
T.Fan
Nguồn: phapluatxahoi.vn